Xuất nhập khẩu năm 2022 có thể lập kỷ lục mới
Ngày nhập : 12/04/2022 15:36
Nhiều chuyên gia dự báo rằng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể lập mốc kỷ lục mới và sẽ cán đích 700 tỷ USD.
 

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quí I năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận đạt 176 tỷ USD, tăng trưởng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng trưởng rất cao; riêng xuất khẩu đạt tăng trưởng 12,9%.

Đặc biệt, các nhóm hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao khoảng 18-19%; trong đó, có những mặt hàng đặc biệt như cà phê, gạo, thủy sản mức tăng trưởng còn cao hơn nữa từ 38% đến gần 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Nhận định xung quanh việc tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải cho rằng cơ hội lớn nhất là từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn với mức độ cam kết sâu như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... Đây đều là các FTA với các đối tác thương mại quy mô rất lớn của Việt Nam, trên thực tế đã phát huy tác dụng đáng kể.

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra rằng, trong CPTPP các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., mức tăng trưởng trong xuất khẩu đều đạt từ 25-35%, thể hiện rất rõ cơ hội cho các doanh nghiệp.

Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn cũng như tạo thuận lợi rõ ràng hơn và doanh nghiệp cũng có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này. Đáng lưu ý, trong khối RCEP có các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định RCEP sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn.

Nhấn mạnh về những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, theo ông Trần Thanh Hải trước mắt vẫn là tác động của dịch COVID-19. Mặc dù tại Việt Nam tác động từ dịch đã giảm bớt và có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất nhưng tác động của dịch bệnh ở những thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là hiện nay dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc.

Với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, khi có các ca bệnh Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả 1 thành phố hay 1 trung tâm sản xuất. Nếu những khu vực hiện nay đang cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản với số lượng nguyên liệu lớn cho Việt Nam bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa sẽ tác động đến nguồn cung nguyên liệu cho Việt Nam.

Hơn nữa, trong vấn đề vận chuyển, logistics, 2 năm vừa qua tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"…

(Nguồn: VTV.VN)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh