Số hóa nền kinh tế cần hai từ khóa: Tốc độ và linh hoạt
Ngày nhập : 13/11/2020 15:18
Chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà lại vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế quốc gia. Do đó, cần tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế hiện đại với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.
 

Kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP

Có thể khẳng định kinh tế số là xu hướng, là xu thế, là cơ hội. Chính vì thế, chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 (Vietnam Business Summit - VBS 2020) này là “Việt Nam số hóa: Chủ động thích ứng để phát triển bền vững”. Theo Khảo sát mở rộng các CEO toàn cầu của PwC được thực hiện tháng 7 vừa qua, các kết quả cho thấy hai xu hướng chủ đạo được các CEO chú trọng trong thời kỳ Covid-19: ưu tiên số hóa và xây dựng đội ngũ tương lai. Theo đó, 41% các CEO cho biết phát triển DN theo hướng số hóa và nền tảng trực tuyến là ưu tiên hàng đầu, theo sau là 26% các CEO có kế hoạch xây dựng lực lượng lao động linh hoạt hơn với các chính sách lấy con người làm trọng tâm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, “cốt lõi” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) chính là chuyển đổi số, với sự tích hợp của số hóa, kết nối/siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Kinh tế số còn tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách giao tiếp của con người, tạo cơ hội cho các nước và nước nào tận dụng tốt cơ hội sẽ vượt lên… Để thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp của kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025.

“Để đưa đất nước vươn lên phát triển bao trùm và bền vững, thực hiện khát vọng phồn vinh và hạnh phúc, Chính phủ hành động quyết liệt luôn đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc CMCN 4.0.”, Phó Thủ tướng khẳng định và đưa ra 4 cam kết của Chính phủ, đó là nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ DN và người dân; Chính phủ sẽ triển khai các chính sách quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; Ưu tiên đầu tư và triển khai nhanh các dự án kết cấu hạ tầng; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Phụ thuộc vào thể chế và quyết tâm

TS.Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Kinh tế số sẽ giúp các DN Việt Nam nhất là DNNVV tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phát triển cả trong thời đại dịch Covid-19 và sau đại dịch”. Theo ông Lộc, mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc nhiều vào công nghệ mà lại vào quyết tâm chính trị và thể chế kinh tế quốc gia. Do đó, cần tạo ra một hệ thống thể chế kinh tế hiện đại với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.

Phát biểu tại hội nghị, các diễn giả cũng thống nhất nhận định, Việt Nam đang là một ngôi sao, vẫn là điểm đến đầu tư trong bối cảnh Covid-19 khiến cả thế giới rơi vào suy thoái. Nhưng TS.Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chúng ta đang nhấn mạnh quá nhiều tới cơ hội mà quên đi điều cần quan tâm hơn là những thách thức. Thách thức từ bối cảnh toàn cầu, thách thức từ những hạn chế nội tại vốn có, thách thức từ nền tảng mong manh của DN Việt.

Một thách thức nữa được ông Đỗ Huy Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog chỉ ra, đó là Việt Nam mới đang ở quá trình ban đầu xây dựng nền móng cho chuyển đổi số, bởi nó là quá trình chuẩn bị toàn diện, còn DN hiện mới chỉ đưa công nghệ vào một cách thụ động, thay vì chủ động. Chuyển đổi số, kinh tế số phải dựa trên dữ liệu, nhưng ông Bình cho biết cơ sở dữ liệu của DN rất phân tán. “Chúng tôi đang làm một database nhưng có lẽ sẽ mất đến 2-3 năm để tập hợp thông tin và thuyết phục các doanh nghiệp cùng hợp tác chia sẻ dữ liệu”, ông Bình nói.

Trong bối cảnh đó để chuyển đổi số thành công, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn đến hai từ khoá là tốc độ và linh hoạt. “Chính phủ và DN phải thay đổi nhanh hơn nhiều so với trước”, ông nhấn mạnh. Cũng cùng quan điểm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, để bước ra khỏi giai đoạn khủng hoảng này và phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, Việt Nam cần định hướng rõ ràng và có hành động cụ thể để vượt qua thách thức, nắm bắt các cơ hội trong tương lai.

Còn về phía DN, theo bà Vân, để tăng cường khả năng thích ứng và vươn lên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng hiện nay, các DN Việt Nam cần nhìn nhận lại mô hình kinh doanh, mạnh mẽ chuyển đổi số, và củng cố nguồn nhân lực một cách bền vững hơn. Đây là thời điểm để các DN nhìn nhận, đánh giá lại mô hình kinh doanh và năng lực nội tại, từ đó xây dựng kế hoạch cho các kịch bản khác nhau có thể xảy ra trong tương lai. Để định hướng trước những biến động hiện nay, các DN cần nhanh nhạy áp dụng tư duy mới, đẩy nhanh việc áp dụng số hóa và chủ động mang đến thay đổi trong DN của mình.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh