Tạo đà cho tăng trưởng vượt bậc
Ngày nhập : 12/09/2022 16:30
Với diễn biến sau 2/3 chặng đường của năm 2022, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,8-7,2%, thậm chí có thể đạt tới 8,5%. Tuy nhiên cần cải thiện các động lực để tạo lực đẩy cho tăng trưởng, như thúc đẩy thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, hoàn thiện thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế…
 

Triển vọng tăng trưởng cao nhất trong khu vực

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s mới đây dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 8,5% trong năm 2022, cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn đáng kể so với dự báo của các tổ chức khác. Trước đó, các cơ quan như WB, IMF, UNCTAD, ADB… đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay trong khoảng 6,7-7,5%....

Từ phía cung, các khu vực kinh tế đều hồi phục và đạt tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch Covid-19. Cụ thể cả năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 2,8-3,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh 8-8,3% nhờ sự phục hồi của các ngành chế biến – chế tạo và các dự án xây dựng; khu vực dịch vụ tăng khoảng 8-8,1%. Từ phía cầu, các hoạt động kinh tế - xã hội đều phục hồi tốt, như tiêu dùng phục hồi mạnh và tăng 17-20% so với cùng kỳ năm trước; xuất - nhập khẩu lần lượt tăng 13-15% và 11-13%; vốn FDI giải ngân tăng 7-9%; tăng trưởng tín dụng đạt 14-15%; và giải ngân đầu tư công (bao gồm cả Chương trình phục hồi kinh tế) tăng 7-8%.

Mặc dù đánh giá tích cực về sức bật của nền kinh tế sau 2/3 quãng đường năm 2022, song các chuyên gia cho rằng để đạt được kịch bản cơ sở cũng là điều khá thách thức, do nhiều khó khăn còn đang ở phía trước.

Hiện nay, lĩnh vực phục hồi tích cực nhất chính là tiêu dùng nội địa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1%. Còn so với cùng kỳ năm 2019 - là năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 - thì tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng tới 13,9%. Như vậy, sức mua trên thị trường nội địa không chỉ phục hồi mà đã quay lại xu hướng tăng trưởng so với những năm trước khi bùng dịch. Nếu duy trì đà phục hồi tốt như hiện nay, tiêu dùng nội địa hoàn toàn có thể tăng trưởng ở mức 17-20% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên hiện lạm phát bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư và tiêu dùng, khiến xuất khẩu trong 4 tháng còn lại trở nên khó lường. Bộ Công thương mới đây cũng nhận định xuất khẩu sẽ chậm lại trong quý IV, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu âm 3,5% và dự kiến cả năm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 9,5%, thấp hơn so với mức tăng 12-14% mà nhiều cơ quan trong nước đã dự báo trước đó.

Khó khăn còn ở phía trước

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, mặc dù còn 1 tháng nữa mới hết quý III/2022, song có thể dự báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý III sẽ cao hơn khá nhiều so với quý II. Nhưng sang quý IV, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại. Bên cạnh đó, ông Kiên cho rằng diễn biến kinh tế thế giới tiếp tục khó lường và khó dự báo, sẽ ảnh hưởng tới việc hoạch định các chính sách vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là áp lực lạm phát. “Có thể nói kinh tế trong nước đang phục hồi mạnh mẽ so với những năm bùng phát dịch Covid-19, chứ chưa thể quay trở lại như những năm trước khi xảy ra đại dịch”, ông Kiên cho biết thêm.

TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cũng lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm 2022 và thậm chí còn áp lực lớn hơn trong năm 2023. Ông Long lý giải là do giá xăng dầu thế giới vẫn có khả năng biến động tăng trở lại hoặc khó giảm sâu, trong khi mặt bằng giá cả trong nước vẫn cao. Đồng thời giá các dịch vụ công như giáo dục đã bị ghìm giữ khá lâu và sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng theo lộ trình; nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân tăng cao cũng sẽ khiến lạm phát đối diện nguy cơ tăng nếu khan hiếm hàng hóa… Một vấn đề khác là việc giải ngân các gói hỗ trợ nền kinh tế thường có xu hướng chậm chạp trong năm đầu tiên thực hiện, nhưng lại được đẩy nhanh vào năm cuối cùng (2023), khiến áp lực lạm phát cũng sẽ dồn nhiều hơn vào năm sau….

Như vậy, các khó khăn của nền kinh tế sẽ dồn vào những tháng cuối năm và cả năm 2023, vì vậy đây cũng là thời điểm cần cải thiện các động lực để tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế trong năm 2023.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển dịch mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất lao động tăng lên bởi ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất, chế biến đơn giản sang ứng dụng công nghệ cao.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh