10 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất tháng 7
Ngày nhập : 02/08/2023 17:03
Mặc dù kết quả kinh doanh đang có phần không khả quan, song giá cổ phiếu của các nhà băng vẫn tăng mạnh.
 
Kết thúc tháng 7/2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1222,9 điểm, tăng 102.72 (tăng 9,2%) điểm so với cuối tháng 6 và tăng gần 179 điểm (tăng 21,4%) so với đầu năm. Thanh khoản bình quân một phiên khoảng 18.104 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng 6 và hơn 75% so với đầu năm.

Sự tích cực của thị trường cũng được nhìn thấy ở các cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, có 21/27 mã ngân hàng ghi nhận tăng trưởng so với cuối tháng 6. Trong đó, có 5 cổ phiếu tăng mạnh hơn so với VN-Index.

Cụ thể, với mức tăng 19%, SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đứng đầu bảng xếp hạng. Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tháng, sau khi có thông tin ngân hàng này sẽ chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, SHB đã bật tăng và duy trì đà tăng trưởng trong suốt 2 tuần. Đến ngày 17/07/2023, HoSE có quyết định thêm mã chứng khoán SHB vào rổ VN30. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 07/08/2023 - 02/02/2024. Sau khi được thêm vào danh mục, SHB sẽ chiếm tỷ trọng gần 2,84% và ước tính DCVFM VN30 ETF sẽ mua vào khoảng 17,4 triệu cổ phiếu này.

Theo sau là VBB của VietBank, khi ghi nhận mức tăng 13,9%. Mã chứng khoán này bắt đầu tăng mạnh trong nửa sau của tháng 7, sau khi có thông tin ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng mua vào gần 1,5 triệu cổ phiếu. Theo công bố thông tin mới nhất của Vietbank, ông Nguyên đã mua thành công 100% lượng cổ phiếu đăng ký; nâng tỷ lệ sở hữu từ 3,05% lên 3,36%.

VPB của VPBank là mã cổ phiếu nhà băng có mức tăng mạnh thứ ba trong tháng 7 khi tăng 11,6%; tăng trưởng cả năm đạt 23,7%, cao hơn so với VN-Index (21,4%). Đà tăng mạnh của cổ phiếu VPB bắt đầu từ nửa cuối tháng 7/2023, khi trong khoảng thời gian này, VPBank có nhiều thông tin liên quan đến việc chào bán riêng lẻ cho cổ cổ đông chiến lược SMBC. Theo đó, ngân hàng dự kiến bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu VPB với giá 30.159 đồng/cổ phiếu và thu về hơn 35.904 tỷ.

VPBank dự định sử dụng hơn 34.999 tỷ, ứng với hơn 97% lượng vốn huy động được trong đợt chào bán để bổ sung vốn và cấp tín dụng cho khách hàng; đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin (850 tỷ), sửa chữa cải tạo hệ thống mạng lưới chi nhánh (55 tỷ). Hiện phương án sử dụng nguồn vốn huy động được từ chào bán cho SMBC đang được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và sẽ kết thúc vào ngày 02/08/2023. Ngoài ra, còn một thông tin đáng chú ý khác đối với mã cổ phiếu VPB, đó là theo chia sẻ của bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc VPBank tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 21/05/2023, ngân hàng có thể chia cổ tức tiền mặt trong quý III/2023.
 

SGB của SaigonBank theo sau với mức tăng 10,4%. Trong cả tháng 7, cổ phiếu này luôn đi ngang trong biên độ hẹp; chỉ trong những ngày giao dịch cuối cùng của tháng, sau khi ngân hàng công bố báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, SGB mới bật tăng mạnh. Có một điểm đáng chú ý là văn bản có đề cập KH trả cổ tức trong vòng 6 tháng từ ngày kết thúc họp đại hội cổ đông thường niên trong kỳ báo cáo. Trên cơ sở đó và căn cứ vào ngày tổ chức đại hội cổ đông 27/04, có thể trong quý III hoặc đầu quý IV/2023, nhà đầu tư vào SGB có thể nhận được cổ tức. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận được đại hội cổ đông thông qua hồi đầu năm, Saigonbank sẽ phát hành 30,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%.

NAB của Nam Á Bank đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng sau khi ghi nhận tăng trưởng hơn 9,7% trong tháng 7. Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng có tăng trưởng mạnh nhất 7 tháng đầu năm (tăng 84,2%). Giá cổ phiếu này đã liên tục tăng lên từ hồi tháng 05/2023, sau khi có thông tin HoSE đã nhận được hồ sơ niêm yết của Nam Á Bank.

Dù không tăng mạnh hơn VN-Index, song MSB đã có một mức tăng đến 9,1% trong tháng 7. Về mặt giao dịch đáng chú ý, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 76,8 triệu cổ phiếu này, với tổng giá trị gần 1.027 tỷ đồng. Trong khi ở chiều ngược lại, nhà đầu tư trong nước lại tăng mua vào.

BID theo sau với mức tăng 8,9%. Đà tăng của BIDV bắt đầu từ hôm 10/07, trùng với thời điểm Ngân hàng Nhà nước quyết định giao hết room tín dụng cho các ngân hàng.

Vietcombank với mã VCB nối gót với tăng trưởng 8,2%. Cổ phiếu này bắt đầu tăng mạnh sau khi xuất hiện thông tin ngân hàng chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18,1% hôm 06/07/2023. Trong tháng 7/2023, giá cổ phiếu và vốn hóa của VCB tiếp tục vượt đỉnh lịch sử. Theo đó, tại thời điểm cao nhất, giá cổ phiếu VCB là 93.700 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh do chia cổ tức); vốn hóa hơn 524 nghìn tỷ.

Kế đến là LPB của LPBank, khi ghi nhận tăng trưởng giá cổ phiếu trong tháng 7/2023 là 7,9%. Cổ phiếu này đã trong xu hướng tăng từ hồi tháng 4/2023 đến nay, trong suốt quá trình này, dù có một số nhịp điều chỉnh, song LPB vẫn tiếp tục tăng trưởng. Nếu so với đầu năm, LPB tăng 24,8%, cao hơn so với VN-Index.

SSB của SeABank theo sau với mức tăng 9,79%. Đà tăng của mã cổ phiếu này bắt đầu từ sau thông tin ngân hàng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ 20,3%. Một thông tin đáng chú ý khác cũng đã góp phần tiếp sức cho giá cổ phiếu ngân hàng này tiếp tục đi lên trong tháng 7 là SSB cũng được thêm vào rổ VN30 trong đợt tái đánh giá danh mục vừa qua của HoSE. Sau khi được thêm vào rổ, SSB sẽ chiếm tỷ trọng 3,62%; ước tính DCVFM VN30 ETF sẽ mua vào khoảng 10,5 triệu cổ phiếu này. Ngoài ra, vừa qua ngân hàng có quyết định sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển).

Nhìn chung, trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, xu hướng chính của cổ phiếu ngân hàng vẫn là tăng trưởng dương. Tuy nhiên, về mặt kinh doanh, bức tranh lợi nhuận, tài sản của các nhà băng đã bắt đầu có sự phân hóa.
 
       (Nguồn: Nhịp sống thị trường)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh