Quản lý tốt nguồn lực của nền kinh tế
Ngày nhập : 26/12/2023 10:21
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Vân Anh - Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (DTNHNN-NHNN) cho rằng, quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của NHTW. Trong thời gian qua, dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục giúp Việt Nam nâng cao vị thế đối ngoại, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam và làm yên lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Cục Quản lý DTNHNN được thành lập kỳ vọng rằng sẽ góp phần quản lý tốt “nguồn lực vàng” của nền kinh tế.

Thưa ông, Cục Quản lý DTNHNN được thành lập đánh dấu việc NHNN có một cơ quan mới độc lập chuyên trách về quản lý DTNHNN. Xin ông cho biết cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Cục ?
 

Ông Nguyễn Vân Anh – Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam, trong đó có việc thành lập Cục Quản lý DTNHNN. Cục Quản lý DTNHNN được thành lập theo mô hình một đơn vị chuyên trách, có chức năng tham mưu giúp Thống đốc NHNN thực hiện quản lý DTNHNN theo quy định của pháp luật.

Với mô hình cơ cấu tổ chức mới, Cục tiếp nhận nhiệm vụ chủ trì xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn về quản lý DTNHNN từ Vụ Quản lý ngoại hối. Đồng thời Cục tiếp nhận từ Sở Giao dịch toàn bộ quy trình triển khai công tác quản lý liên quan đến đến hoạt động đầu tư DTNHNN tại nước ngoài và thực hiện can thiệp thị trường trong nước (khi cần) bao gồm cả thị trường ngoại tệ và thị trường vàng.
 


Công tác quản lý DTNHNN được thực hiện theo Nghị định 50/2014/NĐ-CP của Chính phủ
 
Như vậy, sau khi thành lập, công tác quản lý DTNHNN được tập trung toàn bộ các chức năng “Front”, “Middle” và “Back office” (bộ phận trước, giữa và sau) tại Cục Quản lý DTNHNN. Quy trình quản lý DTNHNN được khép kín từ xây dựng chính sách quản lý, thiết lập quan hệ với đối tác, đầu tư DTNHNN trên thị trường quốc tế, can thiệp thị trường trong nước đến xây dựng chính sách và thanh toán, kế toán và kiểm soát nội bộ.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục không chỉ quản lý về dự trữ ngoại hối mà còn thực hiện mục tiêu sinh lời trong đầu tư DTNHNN. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về điều này ?

Công tác quản lý DTNHNN được thực hiện theo Nghị định 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 của Chính phủ quy định về quản lý DTNHNN theo quy định tại Nghị định 50, các nguyên tắc quản lý DTNHNN bao gồm bảo toàn, thanh khoản và sinh lời.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định 50 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ngay từ khi mới thành lập, Cục Quản lý DTNHNN tập trung triển khai các nhiệm vụ về quản lý DTNHNN, đảm bảo công tác quản lý DTNHNN được an toàn, thông suốt, tuyệt đối không gây ách tắc trong nhiệm vụ hàng ngày tại NHNN.

Với mục tiêu quan trọng nhất của công tác quản lý DTNHN tại NHNN là đảm bảo an toàn nguồn dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngoại tệ cho thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, nguyên tắc sinh lời cũng được NHNN chú trọng trong hoạt động đầu tư DTNHNN.

Trong phạm vi cho phép, Cục Quản lý DTNHNN luôn bám sát diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, đặc biệt chính sách lãi suất của các NHTW lớn trên thế giới, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời có các điều chỉnh chính sách phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện các hoạt động đầu tư theo quy định để tăng cường khả năng sinh lời của DTNHNN. Nhờ vậy, DTNHNN trong các năm qua luôn được đảm bảo an toàn, thanh khoản và mức sinh lời tốt hàng năm.

NHNN vừa ban hành Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý DTNHNN. Những điểm mới của Thông tư này sẽ tác động thế nào đối với việc quản lý DTNHNN thời gian tới, thưa ông ?

Để triển khai công tác thành lập Cục Quản lý DTNHNN theo quy định tại Nghị định số 102/2022/NĐ-CP, NHNN đã rà soát tổng thể quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý DTNHNN. Qua rà soát, việc thay đổi cơ cấu tổ chức không dẫn đến phải thay đổi quy định tại các Nghị định có liên quan. Tuy nhiên, các Thông tư và văn bản tương đương của NHNN cần được bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của các đơn vị trong NHNN. Trên cơ sở đó, ngày 12/10/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc triển khai nhiệm vụ quản lý DTNHNN. Thông tư số 12 gồm 14 Điều với các nội dung chính: điều chỉnh đơn vị đầu mối thực hiện công tác quản lý DTNHNN tại Cục Quản lý DTNHNN thay cho các nhiệm vụ, chức năng tại Sở Giao dịch và Vụ Quản lý ngoại hối trước đây; thay đổi quy trình phối hợp và cung cấp thông tin theo chức năng, nhiệm vụ mới.

Như vậy, về cơ bản, các quy định tại Thông tư số 12 chỉ điều chỉnh đơn vị đầu mối và quy trình phối hợp trong nội bộ NHNN, không thay đổi các nghiệp vụ quản lý DTNHNN của NHNN.

Việc ban hành Thông tư số 12/2023/TT-NHNN đã hoàn thiện kịp thời khuôn khổ pháp lý để việc thực hiện các nghiệp vụ, quy trình phối hợp giữa các đơn vị một cách thuận lợi, đảm bảo an toàn khi Cục DTNHNN chính thức đi vào hoạt động, và ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp.

Với quy mô ngày càng lớn, nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối sẽ gặp những thách thức. Trong thời gian tới, Cục sẽ có định hướng thế nào để đảm bảo quản lý dự trữ ngoại hối an toàn, hiệu quả, thưa ông ?

DTNHNN có vai trò rất quan trọng đối với an ninh kinh tế, tiền tệ của quốc gia giúp ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế của quốc gia, góp phần tạo lập và củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia,… Do đó, Cục Quản lý DTNHNN có nhiệm vụ quản lý DTNHNN đảm bảo an toàn, thanh khoản, sinh lời, đồng thời củng cố và tăng quy mô DTNHNN khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Để thực hiện nhiệm vụ nói trên, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế hiện nay nhiều biến động, tình hình chính trị quốc tế phức tạp có thể tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư DTNHNN. Do đó, để quản lý an toàn, hiệu quả DTNHNN, Cục phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ của NHTW các nước lớn, đặc biệt chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) để thực hiện nghiệp vụ đầu tư phù hợp nhằm đảm bảo quản lý an toàn, thanh khoản và sinh lời.

Đồng thời, với độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thị trường ngoại tệ trong nước cũng chịu ảnh hưởng lớn từ các diễn biến kinh tế, chính trị quốc tế. Vì vậy, để thực hiện tốt chức năng ổn định thị trường ngoại hối, DTNHNN được quản lý theo hướng đảm bảo thanh khoản để đáp ứng yêu cầu can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.

Bên cạnh đảm bảo an toàn, thông suốt các hoạt động trong giai đoạn đầu mới thành lập Cục Quản lý DTNHNN, NHNN cũng tập trung nghiên cứu nâng cấp, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, đào tạo bồi dưỡng cán bộ để từng bước đổi mới phương thức quản lý và đa dạng hóa hơn nữa hoạt động đầu tư. Qua đó, hướng đến mô hình quản lý DTNHNN chuyên nghiệp, hiện đại hơn phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, xu hướng tăng quy mô và trình độ quản lý DTNHNN.

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: THỜI BÁO NGÂN HÀNG)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh