Tỷ giá ổn định giúp doanh nghiệp vơi nỗi lo
Ngày nhập : 29/06/2023 00:00
Chia sẻ về những khó khăn “chưa từng có” trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua thị trường quốc tế biến động mạnh, đồng USD có thời điểm tăng giá lên mức kỷ lục trong 20 năm, NHTW các nước theo xu hướng tăng lãi suất, bán can thiệp ngoại tệ nhằm bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực mất giá quá mạnh.
Nỗ lực cân bằng nhiều mục tiêu
Là một nền kinh tế nhỏ có độ mở rất lớn như Việt Nam, nội tại còn nhiều khó khăn thách thức, công tác điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng gặp rất nhiều khó khăn khi phải xử lý hài hòa nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau như: làm sao để vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất…
Nhiệm vụ đặt ra vô cùng thách thức, song bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự chủ động, linh hoạt, NHNN đã nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt, về điều hành tỷ giá 6 tháng đầu năm, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đã theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ doanh nghiệp tích cực trong bối cảnh khó khăn nhất là
các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Theo số liệu thống kê, tính tới đầu tháng 6/2023, tỷ giá USD/VND đã giảm khoảng 0,52% so với thời điểm đầu năm 2023 nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào từ thặng dư cán cân thương mại, giải ngân vốn FDI, du lịch quốc tế hồi phục và một phần nhờ đồng USD trên thị trường quốc tế yếu đi. Theo các chuyên gia, tỷ giá giữa đồng USD và VND đầu năm 2023 đã ổn định trở lại do FED giảm tốc độ tăng lãi suất và lạm phát tại Mỹ giảm bền vững, khiến đồng USD giảm giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thống kê của CTCK Yuanta Việt Nam cho thấy, tỷ giá từ đầu năm 2023 biến động quanh mức 23.240 – 23.630 đồng/USD, ổn định hơn nhiều so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023, NHNN đã mua thêm khoảng 6 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối.
Nhờ tỷ giá ổn định, cùng với các yếu tố vĩ mô khác cho phép, từ đầu năm tới nay, NHNN cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Từ đó xác lập xu hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Với việc tìm được điểm cân bằng giữa hai mục tiêu ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất, các chuyên gia đánh giá chính sách tiền tệ đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách tích cực trong bối cảnh khó khăn sau dịch bệnh, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể vơi bớt nỗi lo rủi ro biến động tỷ giá.
Đại diện một công ty trong lĩnh vực xuất khẩu cho biết, việc ổn định tỷ giá có tác động rất tích cực. Bởi lẽ với khoản vay lên tới cả chục triệu USD thì tỷ giá chỉ thay đổi khoảng 1% sẽ khiến công ty có thể thiệt hàng tỷ đồng. Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu, đồng USD tăng giá có thể giúp doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang VND sẽ tăng. Song, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, phải nhập tới 70% nguyên liệu từ nước ngoài. Do đó, giá USD tăng khiến doanh thu phải gánh thêm khoản bội chi lớn về phí nhập khẩu, vận chuyển… Chính vì vậy, ổn định tỷ giá sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này rất nhiều trong hoạt động kinh doanh hiện nay.
Nhiều yếu tố thuận lợi nhưng không chủ quan
Các chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho rằng, có nhiều yếu tố tích cực đang hỗ trợ ổn định tỷ giá. Cụ thể, theo IMF, dự báo dự trữ ngoại hối Việt Nam cuối năm 2023 ở mức 95 tỷ USD. Điều này là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn khi tình hình xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI cải thiện hơn nữa. Mặt khác, tuy kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng 2023 vẫn ở mức thấp, nhưng cán cân thương mại duy trì suất siêu mạnh 9,8 tỷ USD. “Chúng tôi kỳ vọng tình hình xuất nhập khẩu sẽ khả quan hơn từ quý III/2023 khi nhu cầu hồi phục tại Mỹ, EU, Trung Quốc mở cửa cũng như việc các doanh nghiệp mở rộng các thị trường xuất khẩu mới thay thế”, chuyên gia của Yuanta cho biết. Ngoài ra, lượng khách du lịch quốc tế sẽ hồi phục nhanh hơn trong thời gian tới, cùng với dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về nước, đây sẽ là nguồn ngoại tệ đáng kể góp phần giúp cán cân thanh toán tiếp tục cải thiện, qua đó giúp ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.
Bên cạnh đó, FED đã tạm dừng tăng lãi suất vào kỳ họp tháng 6 và mặc dù có khả năng sẽ còn tăng lãi suất ít nhất một lần nữa trong năm nay, tuy nhiên giai đoạn đồng USD neo ở mức cao như cuối năm 2022 đã đi qua. Với những yếu tố trên, các chuyên gia cho rằng, tỷ giá trong 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp tục ổn định, biến động trong biên độ +/- 3%.
Với việc duy trì ổn định tỷ giá, các chuyên gia đánh giá, thời gian tới NHNN có điều kiện ưu tiên ổn định lãi suất, xem xét mua ngoại tệ tăng cung tiền ra nền kinh tế; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như các doanh nghiệp vay ngoại tệ lớn giảm thiểu rủi ro tỷ giá...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cũng không thể chủ quan, cần theo dõi sát diễn biến thị trường. Một số yếu tố có thể tạo áp lực lên tỷ giá cần theo dõi như lạm phát các nước phát triển vẫn đang ở mức cao và việc Trung Quốc mở cửa trở lại; FED có thể thay đổi xu hướng điều hành lãi suất. Đại diện NHNN cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)