Đẩy mạnh ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực ngân hàng
Ngày nhập : 12/05/2021 16:20
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã và đang tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Cuộc cách mạng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực ngân hàng cần có phương hướng đẩy mạng ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
 

Từ đầu thập niên 1990 đến nay, công nghệ số đã liên tục phát triển, phản ánh tính chất cách mạng to lớn của các công nghệ mới và sự ứng dụng của chúng đối với các tập đoàn, công ty, người tiêu dùng cũng như chính phủ các quốc gia.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ (cụ thể là mạng Internet và sự lan tỏa của các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đến khắp nơi trên thế giới) là nhân tố chính thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng tại nhiều lĩnh vực.

CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Trước hết là cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ quản trị thông minh và tự động hóa trong quy trình nghiệp vụ giúp đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai.

Ảnh hưởng của CMCN 4.0, cụ thể là Internet, Internet vạn vật, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn, điện toán đám mây… đã giúp các đơn vị trong nước định hình lại mô hình kinh doanh, thanh toán điện tử, quản trị… hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai. Thêm vào đó, tiến bộ từ cuộc CMCN 4.0 là động lực giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng trong nước phát triển và cạnh tranh với các ngân hàng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện nắm bắt và thay đổi kịp thời để thích nghi với công nghệ mới.

Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ sẽ thúc đẩy sự hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới trong ngành ngân hàng như: M-POS, ví điện tử, công nghệ thẻ chip, Mobile Banking, Internet banking… Sự ra đời của những sản phẩm dịch vụ tài chính mới này sẽ tạo thuận lợi trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và góp phần tiết kiệm được chi phí giao dịch cho người dân.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, mạng máy tính kết nối các thị trường tài chính trên toàn cầu thành một thị trường thống nhất và hoạt động liên tục. Điều này góp phần khắc phục được trở ngại về thời gian và không gian, tiết kiệm được chi phí, đồng thời tạo điều kiện cho các giao dịch ngân hàng quốc tế được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, đem lại cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh tài chính, ngân hàng.

Nhờ việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn giúp cho khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi. Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả, từ đó góp phần giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng, đặc biệt là công tác thống kê, dự báo về hoạt động tài chính ngân hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

CMCN 4.0 tác động đến nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc…

Kết quả ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam

Trong bối cảnh CMCN 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa đang tạo điều kiện cho người dân Việt Nam làm quen dần với việc thanh toán không dùng tiền mặt và chấp nhận sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích, dịch vụ thanh toán trên các thiết bị di động. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet tại Việt Nam ngày càng tăng lên.

Đến nay, tại Việt Nam có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu lượt và doanh số hơn 10 triệu tỷ đồng mỗi năm…

Hiện nay, đã có 50 NHTM ký kết triển khai dịch vụ thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 NHTM ký kết với các công ty điện lực thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 NHTM triển khai dịch vụ thu tiền nước sạch tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 12 NHTM triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường Đại học; 8 NHTM triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 6 NHTM phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Các NHTM Việt Nam đã chủ động nắm bắt phản ứng của các ngân hàng trên toàn cầu đối với công nghệ tài chính - Fintech cũng như CMCN 4.0 và đang chủ động tích cực triển khai theo chiến lược kinh doanh, phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích và an toàn theo nguồn lực tài chính cũng như khả năng ứng dụng của mình. Nhiều NHTM đang chủ động và mạnh dạn ứng dụng các công nghệ mới về quản lý và giao dịch ngân hàng điện tử, công nghệ ngân hàng số…

Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng

Trước những cơ hội và thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra, ngành Ngân hàng Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua thách thức, khó khăn. Theo đó, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược được xây dựng căn cứ vào thực trạng ngành ngân hàng và những vấn đề do CMCN 4.0 đặt ra; Tập trung phát triển NHNN hiện đại, tiên tiến, có mô hình tổ chức hợp lý, phát huy vai trò điều hành, định hướng, quản lý hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng, đảm bảo ngành Ngân hàng vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của CMCN 4.0.

Hai là, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đặc biệt là các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ CMCN 4.0 thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng. Ưu tiên nguồn lực để phát triển những giải pháp công nghệ mới, khuyến khích những ý tưởng và kế hoạch sáng tạo nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động ngân hàng, đảm bảo sự phù hợp với các nguyên tắc thị trường và cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, NHNN thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật, các chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng thương mại để nắm bắt và chỉnh sửa kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại hoạt động hiệu quả.

Bốn là, chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Các ngân hàng cần đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh, bảo mật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, bảo mật; phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng về bảo mật; nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro. Bảo đảm bí mật thông tin khách hàng, bảo đảm an toàn về tài sản cho khách hàng.

Năm là, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu phổ cập tài chính chất lượng cao cho nền kinh tế; phát triển dịch vụ ngân hàng đa dạng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân.

Sáu là, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng, trong đó chú trọng đổi mới và tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ cán bộ ngân hàng đủ năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu quản lý và kinh doanh ngân hàng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ so với khu vực và thế giới.

Tóm lại, CMCN 4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến ngành Ngân hàng Việt Nam đặt ra các cơ hội và thách thức. Do đó, các nhà hoạch định chính sách và quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và kinh doanh phù hợp để nắm bắt, tận dụng được cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận, thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc CMCN 4.0.

(Nguồn: Tạp chí Tài chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh