Điều hành tỷ giá bám sát thị trường
Ngày nhập : 09/09/2022 16:32
Chính sách điều hành tỷ giá trong giai đoạn hiện nay có thể đang nhắm đến nhiều mục tiêu, không những đảm bảo giá trị cho tiền đồng mà còn đảm bảo hoạt động sản xuất trong nền kinh tế được xuyên suốt và liên tục, cũng như góp phần kiểm soát lạm phát.
 

Chủ động, linh hoạt

Sở giao dịch NHNN vừa thay đổi giá mua - bán ngoại tệ với giá bán ra USD tăng từ 23.400 lên 23.700 đồng/USD. Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng NHNN tăng giá bán đồng bạc xanh trên kênh Sở giao dịch.

Sau quyết định của NHNN, thị trường có phản ứng khá tích cực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm. Tỷ giá giao ngay sáng 8/9/2022 giao dịch ở mức 23.540 đồng/USD giảm 52 đồng/USD, tương ứng giảm 0,22% so với phiên ngày 7/9/2022; lãi suất bình quân liên ngân hàng đồng VND tại kỳ hạn qua đêm giao dịch ở mức 5,46% giảm hơn 1,02%/năm...

Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái trên của NHNN là không quá bất ngờ. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, quyết định nâng giá bán ra USD của NHNN chủ yếu do việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tiếp tăng lãi suất trong thời gian qua và dự kiến còn tiếp tục tăng. Điều đó đã hỗ trợ đồng USD tăng giá mạnh, hiện USD Index duy trì quanh 110 điểm, gây nhiều sức ép đối với việc bình ổn tỷ giá USD/VND.

Đặc biệt, mức độ tăng trên nếu so với thực tế biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế thời gian gần đây thì không quá lớn. Đến thời điểm này, VND là một trong những đồng tiền ít biến động nhất so với đồng tiền khác trong khu vực.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm mới tăng; còn giá USD bán ra của Sở giao dịch NHNN tăng gần 2,4% trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng 3-4% so với cuối năm. Tuy nhiên, so với các nước tại châu Á, tiền đồng VND tăng 11% so với won Hàn Quốc, tăng 7% so với bath Thái Lan và nhân dân tệ Trung Quốc...

Có được điều này, theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, bên cạnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn, còn do NHNN đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ điều tiết ổn định tỷ giá.

Có thể thấy từ tháng 6 đến nay, NHNN vẫn liên tục và đều đặn sử dụng các công cụ để bơm - hút tiền trên thị trường, điều tiết thanh khoản tiền đồng trong hệ thống, từ đó phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ, không để xảy ra căng thẳng cung - cầu trên thị trường.

Đồng tình với quan điểm ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá của NHNN trong thời gian qua, giới chuyên môn cho rằng, điều đó đã góp phần tích cực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện qua con số giải ngân vốn FDI 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ và là con số cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tỷ giá ổn định cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động giao thương quốc tế. Bởi mặc dù về lý thuyết tỷ giá tăng có thể làm lợi cho xuất khẩu, nhưng lại khiến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng. Hơn nữa xét trong điều kiện thực tế của Việt Nam, hoạt động sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nên xuất khẩu chưa chắc đã được lợi khi tỷ giá tăng. Vì vậy, cần cân nhắc hài hoà lợi ích nhập khẩu và xuất khẩu. Nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, việc giữ ổn định tỷ giá là điều cần thiết để hạn chế nhập khẩu lạm phát, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô.

Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND. Nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh, tiền đồng bị phá giá làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn.

Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng đua lãi suất… Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây cũng là lý do NHNN đưa ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua.

Tỷ giá trong tầm kiểm soát

Mặc dù nhận định biến động tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao cộng với rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ và thế giới, nhưng theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), đồng VND nhìn chung vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.

“Mức giảm giá của VND so với USD là thấp nhất trong các nền kinh tế mới nổi châu Á. Áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại”, chuyên gia BVSC nhận định.

Chung quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, với công cụ điều hành linh hoạt cùng nguồn cung ngoại tệ hiện có như dự trữ ngoại hối khá lớn, dòng vốn FDI giải ngân mạnh, kiều hối tăng, cán cân thương mại thặng dư... diễn biến tỷ giá hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN. Nền kinh tế phục hồi tốt và lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Điểm tích cực khác là diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao...

Nhận định về biến động tỷ giá cả năm nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2% như dự báo. Với mức lạm phát này, tỷ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay.

“Trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá, NHNN sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỷ giá trở lại ổn định như chúng ta đã làm trong hai quý gần đây”, ông Nghĩa tin tưởng.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với tỷ giá, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.

Về phía NHNN, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Theo đó, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân gồm có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Có thể thấy, chính sách điều hành tỷ giá trong giai đoạn hiện nay có thể đang nhắm đến nhiều mục tiêu, không chỉ đảm bảo giá trị cho tiền đồng, mà còn đảm bảo hoạt động sản xuất trong nền kinh tế được xuyên suốt và liên tục, cũng như góp phần kiểm soát lạm phát.

(Nguồn: Thời báo ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh