Doanh nghiệp hồ hởi khi lãi suất giảm
Ngày nhập : 07/10/2020 15:08
Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có các quyết định giảm các mức lãi suất điều hành kể từ ngày 1/10, các ngân hàng đồng loại giảm lãi suất cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống còn 4,5%/năm. Thông tin đó được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận hết sức hồ hởi.
 

Doanh nghiệp hồ hởi vì lãi suất giảm

Đại diện Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tổ chức này đã cập nhật thông tin thay đổi mức lãi suất vay ngắn hạn lên bản tin của hiệp hội và thông báo cho các DN hội viên để nắm được chính sách của ngành Ngân hàng và chủ động các phương án tài chính.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep trong quý III vừa qua, ngành thủy sản có xu hướng phục hồi tích cực với mức tăng trưởng khoảng 5%. Hiện nay hầu hết các DN đều đang có nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để mua nguyên liệu sản xuất và tăng sản lượng chế biến. Bên cạnh đó, hiện nay Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực vì thế nhu cầu về vốn ở một số DN có thể tăng đến 20% vì cần đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để phục vụ chế biến sâu để xuất khẩu vào các thị trường khó tính…

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc một DN gia công sản phẩm bàn ghế gỗ xuất khẩu tại Biên Hòa cho rằng, hiện DN này vẫn song song vay cả USD và VND. Nhưng nếu mức lãi suất vay VND được ngân hàng giảm xuống 4,5%/năm thì DN sẽ cân nhắc vay thêm bằng nội tệ vì độ chênh lệch không còn quá lớn, chưa kể rằng nếu vay bằng USD, DN phải chịu thêm một số chi phí phát sinh từ quá trình mua bán, hoán đổi và phải lường trước cả những rủi ro từ biến động tỷ giá.

Có thể giảm 10.700 tỷ đồng chi phí lãi vay

Theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, việc NHNN tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm trần mức lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND là cơ sở để các NHTM giảm lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn trong quý IV/2020, đặc biệt là các khoản vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (bao gồm: nông nghiệp, xuất khẩu, DNNVV, DN công nghiệp phụ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao).

Nếu ước tính tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên hiện nay chiếm khoảng 20-25% tổng dư nợ của toàn hệ thống (tương đương khoảng 1,7-2,1 triệu tỷ đồng) thì với việc NHNN giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn thêm 0,5%/năm, cộng với việc các NHTM tập trung mạnh tăng trưởng vào nhóm DN xuất khẩu, DNNVV nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu thì sẽ có khoảng từ 8.500 đến 10.700 tỷ đồng chi phí lãi vay được tiết giảm trong các tháng tới. Đó là một khoản hỗ trợ đáng kể tác động đến lợi nhuận các tháng cuối năm của cộng đồng DN…

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh