Một số kết quả ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngày nhập : 05/03/2021 10:02
Năm 2020 là một năm đặc biệt với những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Nhưng trong những thách thức phức tạp của đại dịch, cũng đã xuất hiện những cơ hội mới cho lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển, khẳng định được vai trò và sứ mệnh của mình trong việc duy trì, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các quốc gia tiếp tục được duy trì, phát triển trong điều kiện bình thường mới.
 

Ảnh minh họa

Trong tình hình như vậy, lĩnh vực CNTT của ngành Ngân hàng đã được Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của NHNN theo mô hình Chính phủ điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và chủ động hội nhập với cộng đồng tài chính quốc tế.
Một số kết quả chính về ứng dụng CNTT trong năm 2020 của NHNN như sau:
1. Ban hành các chính sách, văn bản chỉ đạo về CNTT
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về CNTT trong ngành Ngân hàng, trong năm 2020, NHNN đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản định hướng, điều chỉnh các hoạt động CNTT theo chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ triển khai Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn; từng bước nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vào các hoạt động của NHNN và TCTD, tạo nền tảng công nghệ cho việc chuyển đổi sang mô hình Chính phủ điện tử tại NHNN và mô hình ngân hàng số của các TCTD.

Trong năm 2020, NHNN đã ban hành một số văn bản tiêu biểu như: Chiến lược phát triển CNTT ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch ứng dụng CNTT của NHNN năm 2020; Thông tư 09/TT-NHNN ngày 21/10/2020 của NHNN sửa đổi quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng; Thông tư 10/2020/TT-NHNN ngày 02/11/2020 của NHNN sửa đổi quy định về việc quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số của NHNN... Ngoài ra, NHNN còn ban hành nhiều thông tư, quyết định và công văn hướng dẫn khác trong lĩnh vực CNTT, hình thành nên khung khổ pháp lý tương đối hoàn chỉnh cho hoạt động CNTT ngành Ngân hàng.
2. Đảm bảo hoạt động trên nền tảng CNTT trong đại dịch Covid - 19
Năm 2020, tình hình đại dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, đe dọa làm gián đoạn hoạt động thường nhật và việc cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Trên cơ sở đánh giá đúng các nguy cơ, rủi ro có thể phát sinh và mục tiêu đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của ngành Ngân hàng trong mọi tình huống, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chủ động xây dựng, triển khai phương án ứng phó, đảm bảo duy trì các hoạt động, nghiệp vụ trên nền tảng CNTT và thúc đẩy triển khai các hoạt động, dịch vụ mới, an toàn trên không gian mạng như: (i) Hướng dẫn các đơn vị NHNN và các TCTD xây dựng, triển khai phương án đảm bảo hoạt động liên tục của hệ thống CNTT và cung cấp dịch vụ ngân hàng trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; (ii) Triển khai hệ thống họp trực tuyến trên các thiết bị di động, xử lý văn bản qua mạng Internet để không làm gián đoạn các hoạt động bình thường của ngành Ngân hàng trong điều kiện cách ly xã hội; (iii) Sửa đổi các phần mềm nghiệp vụ để triển khai các văn bản chỉ đạo của Thống đốc NHNN về miễn, giảm lãi, phí cho các tổ chức, cá nhân chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19.
Nhờ những chỉ đạo cụ thể và kịp thời của NHNN, các hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động nội ngành và các dịch vụ ngân hàng cung cấp cho doanh nghiệp, người dân vẫn được duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, kể cả trong những thời điểm cả nước phải thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
3. Nâng cấp hệ thống thanh toán của quốc gia
Thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (TTĐTLNH) theo Luật NHNN, từ cuối năm 1999, NHNN đã đưa vào vận hành hệ thống TTĐTLNH từ nguồn vốn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đến thời điểm hiện nay, số lượng và giá trị thanh toán qua Hệ thống này đã tăng khoảng 20 lần về số lượng và 10 lần về giá trị, với bình quân khoảng 500.000 - 600.000 lệnh/ngày và giá trị gần 400.000 - 500.000 tỷ đồng/ngày, tương đương 17 - 20 tỷ USD/ngày.
Để tăng cường vai trò hoạt động của hệ thống thanh toán NHNN, năm 2020, NHNN đã hoàn thành nâng cấp hệ thống TTĐTLNH cả về mô hình tổ chức, cơ chế nghiệp vụ và công nghệ. Theo đó, toàn bộ hoạt động của 06 trung tâm xử lý thanh toán cấp khu vực và 63 trung tâm xử lý thanh toán cấp tỉnh được tập trung về Trung tâm Xử lý quốc gia đặt tại Ngân hàng Trung ương (NHTW); bổ sung các dịch vụ thanh toán ngoại tệ USD, EUR và dịch vụ xử lý quyết toán theo lô; quyết toán trái phiếu Chính phủ.

Về kỹ thuật, hệ thống TTĐTLNH được nâng cấp tổng thể về máy chủ, tủ đĩa, đường truyền thông, phần mềm và áp dụng các công nghệ mới cho xử lý quyết toán ròng đã giúp cho hệ thống nâng cao tổng thể hiệu năng xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải do số lượng lệnh thanh toán đã vượt nhiều lần thiết kế khi đưa vào vận hành trước đây.  
4. Hoàn thành tập trung hóa hạ tầng CNTT và hệ thống thông tin nghiệp vụ
Năm 2020, với việc chuyển đổi thành công mô hình tập trung cho hệ thống thông tin cuối cùng là hệ thống TTĐTLNH, NHNN đã hoàn thành tập trung hóa toàn bộ trang thiết bị CNTT như máy chủ, tủ đĩa, cơ sở dữ liệu... và các hệ thống thông tin nghiệp vụ về một điểm duy nhất đặt tại Trung tâm dữ liệu của NHTW.
Mô hình hệ thống thông tin mới cho phép xử lý nghiệp vụ, dữ liệu tập trung, theo thời gian thực và có giám sát hàng ngày của các đơn vị quản lý đã hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành hàng ngày của NHNN, làm tốt hơn việc cung cấp dịch vụ cho các TCTD và tiết kiệm đáng kể chi phí cho việc trang bị, bảo trì, vận hành các trang thiết bị CNTT của mô hình phân tán…
5. Các hệ thống thông tin nghiệp vụ được vận hành thông suốt, an toàn
Một là, hệ thống TTĐTLNH: Là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, thực hiện vai trò thanh toán và quyết toán giữa các đơn vị NHNN, TCTD trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống hàng ngày cung cấp dịch vụ cho hơn 300 đơn vị thành viên và đã cung cấp phương tiện thanh toán nhanh, hiệu quả, hỗ trợ công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN và tạo điều kiện cho việc tập trung hóa, sử dụng hiệu quả vốn của các TCTD.
Hai là, hệ thống ngân hàng lõi, quản lý kế toán, tài chính và ngân sách: Là một trong những hệ thống thông tin quan trọng của NHNN, bao gồm các thành phần chính sau:
- Hệ thống ngân hàng lõi (Core banking): Quản lý tập trung toàn bộ các tài khoản của các đơn vị NHNN và tài khoản của TCTD, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại NHNN; theo dõi, xử lý các nghiệp vụ kinh tế, tài chính cơ bản của NHNN. Hệ thống ngân hàng lõi kết nối giao dịch với hệ thống TTĐTLNH, thanh toán giao dịch trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ thanh, quyết toán qua hệ thống tài khoản tập trung...
- Hệ thống quản lý kế toán, tài chính, tài sản và ngân sách (ERP): Thực hiện quản lý các nghiệp vụ nội bộ của NHNN bao gồm quản lý công nợ phải thu/phải trả, quản lý tài sản, công cụ kế toán, sổ cái, quản lý ngân sách...
- Hệ thống nghiệp vụ thị trường tiền tệ (AOM/CSD): Bao gồm các công cụ hỗ trợ cho điều hành chính sách tiền tệ của NHNN như quản lý cầm cố giấy tờ có giá; thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu tín phiếu NHNN, trái phiếu KBNN, trái phiếu đặc biệt VAMC, quản lý dự trữ bắt buộc, đấu thầu vàng...
Ba là, hệ thống báo cáo và kho dữ liệu tập trung: Là kho dữ liệu data warehouse duy nhất của NHNN, thu thập dữ liệu báo cáo hàng ngày và theo kỳ hạn từ các tổ chức trong toàn Ngành trên phạm vi toàn quốc, bao gồm gần 1200 quỹ tín dụng nhân dân. Hệ thống là nguồn cung cấp thông tin chính cho điều hành của NHNN và thanh tra, giám sát đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Bốn là, hệ thống quản lý và phát hành kho quỹ (CMO): Là hệ thống quản lý, xử lý tập trung, tự động hóa các nghiệp vụ tác nghiệp kho quỹ của các đơn vị NHNN trên toàn quốc; cung cấp công cụ dự báo nhu cầu tiền mặt, quản lý, tổ chức điều hoà lưu thông tiền mặt, lập kế hoạch tối ưu công tác phân phối tiền trong toàn bộ hệ thống kho quỹ NHNN; điều hành, hỗ trợ hoạch định và ra quyết định trong công tác phát hành kho quỹ của NHNN.
Năm là, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của NHNN (Edoc): Quản lý, gửi, nhận và xử lý văn bản, tài liệu trong nội bộ NHNN; thực hiện điều hành, phân công và theo dõi xử lý công việc. Năm 2020, hệ thống được nâng cấp và thêm các tính năng mới như: (i) Bổ sung dịch vụ trên thiết bị di động từ Internet (qua VPN); (ii) Tích hợp chứng chỉ số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho chữ ký điện tử của đơn vị và lãnh đạo đơn vị; (iii) Gửi nhận liên thông văn bản với các đơn vị ngoài NHNN (các đơn vị được cấp mã định danh trên trục liên thông văn bản quốc gia).
Hệ thống Edoc đã tạo ra những thay đổi lớn trong công tác xử lý văn bản và điều hành của NHNN, rút ngắn thời gian gửi, nhận văn bản, quản lý, giám sát tiến độ xử lý công việc; tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp, từ đó góp phần tăng hiệu quả quản lý, điều hành của NHNN.
Sáu là, hệ thống thanh toán quốc tế  SWIFT: Hỗ trợ nghiệp vụ thanh toán quốc tế, mua bán trái phiếu, gửi tiền phục vụ cho công tác quản lý dự trữ ngoại hối của NHNN. Năm 2020, hệ thống này được thường xuyên cập nhật các bản vá an ninh bảo mật đáp ứng các yêu cầu đối với hệ thống CNTT cấp độ 5 theo khoản 3 Điều 11 Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và các yêu cầu của chương trình an ninh khách hàng (Customer Security Program - CSP) của tổ chức SWIFT.
Bảy là, hệ thống thông tin tín dụng: Thực hiện thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, tạo lập và cung cấp thông tin tín dụng phục vụ quản lý hoạt động nội bộ và cung cấp công cụ cho các TCTD, các đơn vị của NHNN, cá nhân, tổ chức cung cấp số liệu và khai thác các sản phẩm thông tin tín dụng, hỗ trợ ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong kinh doanh; giúp khách hàng vay tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp thông tin làm cơ sở hoạch định và thực thi chính sách, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo NHNN.
Tám là, hệ thống thông tin thị trường liên ngân hàng (Deal Tracker): Thu thập tức thời thông tin về giao dịch cho vay, gửi tiền giữa các TCTD (giao dịch qua hệ thống của Reuters) giúp NHNN theo sát diễn biến thị trường để thực hiện các nghiệp vụ thị trường tiền tệ, đưa ra những biện pháp để quản lý và phát triển thị trường hiệu quả. Riêng năm 2020, Hệ thống này thực hiện thu thập và chiết xuất số liệu giao dịch của 77 TCTD trên thị trường, với khoảng 300 - 350 giao dịch một ngày. Thời gian thu thập dữ liệu linh động, có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày khi có nhu cầu.
Chín là, hệ thống quản lý công tác kiểm toán nội bộ (TeamMate): Hỗ trợ nghiệp vụ kiểm toán nội bộ của NHNN như  quản lý các dự án kiểm toán; lưu trữ, theo dõi và xử lý các kiến nghị góp phần đảm bảo cho NHNN hoạt động an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật.
Mười là, hệ thống thư điện tử NHNN: Trao đổi thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ. Hiện nay, hệ thống có hơn 6.000 hộp thư đang hoạt động, với khoảng 50.000 email gửi nhận hàng ngày. Trong năm 2020, NHNN đã thực hiện bổ sung tài nguyên lưu trữ cho hệ thống thư điện tử nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng; đồng thời triển khai hệ thống phòng chống thư rác nhằm chặn, lọc thư rác, tăng cường bảo vệ cho hệ thống thư điện tử.
6. Xây dựng mô hình Chính phủ điện tử tại NHNN
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng mô hình Chính phủ điện tử cấp bộ và liên thông với Hệ thống Chính phủ điện tử Quốc gia, năm 2020, NHNN đã nghiên cứu, triển khai nghiêm túc các kế hoạch công tác của Chính phủ như: Ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 của NHNN phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0; nâng cấp Cổng thông tin điện tử của NHNN, triển khai liên thông với hệ thống văn bản Chính phủ, liên thông hồ sơ hành chính công với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, liên thông hệ thống báo cáo NHNN với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; xây dựng danh mục các cơ sở dữ liệu NHNN quản lý theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; triển khai hệ thống thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính của NHNN về cơ chế một cửa theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025....
7. Công tác an ninh mạng được đảm bảo
Nắm bắt và theo dõi sát sao tình hình an ninh mạng, NHNN đã chỉ đạo toàn Ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ ban hành chính sách, ứng dụng các công nghệ mới đến diễn tập, đào tạo nhân lực chuyên gia... với mục tiêu chuyển đổi nhanh hoạt động an ninh CNTT ngành Ngân hàng từ phương thức "phòng ngự" truyền thống sang "chủ động " giám sát, xử lý sớm các rủi ro, nguy cơ mất an toàn mạng.
Một số hoạt động cụ thể trong lĩnh vực an ninh CNTT như: 05 thông tư thuộc lĩnh vực CNTT được NHNN  ban hành, sửa đổi, bổ sung năm 2020, thì có đến 03 thông tư về an ninh CNTT; số văn bản cảnh báo, chỉ đạo về an ninh CNTT của NHNN "dày đặc", lên đến 22 văn bản trong 12 tháng; ngoài việc tham gia các đợt diễn tập quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, năm 2020, NHNN đã tổ chức thành công 02 đợt diễn tập an ninh mạng toàn Ngành, trong đó 01 đợt bằng phương thức trực tuyến do điều kiện cách ly xã hội, với các bài tập huấn luyện liên quan trực tiếp đến hoạt động thực tế của các TCTD đã mang lại hiệu quả thiết thực; NHNN còn làm đầu mối tổ chức nhiều khóa đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng và đặc biệt, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra đột xuất tại hơn 10 TCTD, trung gian thanh toán để qua đó rà soát, hỗ trợ các tổ chức giải quyết các tồn tại, hạn chế về an ninh mạng và có hướng dẫn xử lý chung trong toàn Ngành. Nhờ các hoạt động tích cực như đã nêu trên, tình hình hoạt động về CNTT ngành Ngân hàng trong năm 2020 cơ bản an toàn, không để xảy ra sự cố lớn.
8. Định hướng hoạt động CNTT của NHNN năm 2021
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT của NHNN nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung, các nhiệm vụ, định hướng chính cho phát triển CNTT của NHNN năm 2021 và là nền tảng cho các năm tiếp theo như sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ sở pháp lý tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng toàn diện CNTT, các công nghệ mới của CMCN 4.0 vào các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng và từng bước chuẩn hóa hạ tầng CNTT của ngành Ngân hàng.
Thứ hai, xây dựng Chính phủ điện tử tại NHNN nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý thủ tục hành chính, dịch vụ công và  kết nối chia sẻ dữ liệu của NHNN phù hợp với lộ trình của Chính phủ. Ứng dụng hiệu quả CNTT theo chiều sâu cho toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ NHNN, trước mắt ưu tiên cho công tác thanh tra, giám sát và thanh toán.
Thứ ba, tự động hóa, giám sát liên tục hạ tầng và các hệ thống thông tin NHNN đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục, an toàn trên cơ sở ứng dụng các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0.
Thứ tư, xây dựng nền tảng an ninh mạng NHNN chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố an ninh mạng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ tốt cho các hoạt động nghiệp vụ của NHNN và hỗ trợ công tác giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin ngành Ngân hàng.
Thứ năm, tổ chức nguồn nhân lực CNTT của NHNN đáp ứng nhu cầu phát triển CNTT của NHNN và quản lý nhà nước về CNTT của ngành Ngân hàng.

Nguồn: Tạp chí Ngân hàng
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh