Ngân hàng Nhà nước gặp mặt các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế
Ngày nhập : 23/12/2020 11:20
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

Buổi gặp mặt có sự tham gia của Ban Lãnh đạo NHNN Việt Nam, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN cùng đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, đối tác song phương, đa phương và các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, đại diện của các định chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)…
 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt

Hoan nghênh và chào mừng được đón các đại biểu đến dự buổi gặp mặt cuối năm truyền thống của ngành Ngân hàng với các đối tác nước ngoài, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Năm 2020 là một năm đi vào lịch sử thế giới với những thách thức chưa từng có. Dịch bệnh COVID-19 đã và đang lan rộng trên thế giới là một cú sốc lớn đối với hoạt động xã hội, kinh tế của toàn thế giới, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi các phương thức tương tác truyền thống trong văn hóa, xã hội và kinh tế. Hoạt động kinh tế-xã hội bị gián đoạn trên toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn và hệ lụy cho các doanh nghiệp và các quốc gia.

Thống đốc cũng cho biết, tại Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới gần đây, IMF dự báo kinh tế thế giới giảm 4,4%, đa số các quốc gia và khu vực sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020 do tác hại của dịch bệnh kéo dài. Bất chấp những khó khăn của kinh tế, thương mại thế giới và trong nước, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng dương nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Vừa qua, IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,4%, ở mức cao nhất trên thế giới với mức lạm phát được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu đặt ra.

Trong bối cảnh đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ niềm vui khi nhận thấy ngành Ngân hàng Việt Nam đã tích cực chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn trong thời gian dịch bệnh cũng như trong thời kỳ phục hồi hoạt động kinh tế, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Các chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm phí trong giao dịch thanh toán… đã và đang được đánh giá cao, góp phần chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi đối tượng.

Song song với việc hỗ trợ phòng chống dịch và phục hồi hoạt động kinh tế, công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu cũng đã được triển khai tích cực. Hệ thống ngân hàng đã tiếp tục các hoạt động cải cách cơ cấu, xây dựng và triển khai các chính sách, khuôn khổ và cơ chế giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao năng lực quản trị điều hành của hệ thống ngân hàng.

Những nỗ lực lớn lao và đóng góp của ngành Ngân hàng cũng như từng ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động kinh tế trong khủng hoảng dịch bệnh, trong khi vẫn phải tiếp tục đảm bảo hoạt động an toàn lành mạnh đã được công chúng hoan nghênh và đón nhận, giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì hoạt động kinh tế, củng cố lòng tin của thị trường, các nhà đầu tư và duy trì ổn định hệ thống tài chính.

Đóng góp vào những thành quả trên không thể không nhắc đến vai trò của tất cả các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao. “Sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, tích cực của các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước dành cho Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng được Chính phủ Việt Nam và NHNN đặc biệt trân trọng, ghi nhận và biết ơn”, Thống đốc nhấn mạnh.

Năm 2020 còn là một năm với đầy ắp các sự kiện hợp tác quốc tế của Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN. Theo đó NHNN đã chủ trì tổ chức một loạt các sự kiện, hội nghị, diễn đàn, hội thảo trong khuôn khổ hợp tác ngân hàng ASEAN và giữa ASEAN với các nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều cuộc họp cấp cao, trao đổi chính sách với các NHTW, cơ quan quản lý tiền tệ và tổ chức quốc tế về các biện pháp, đối sách ở cấp khu vực và toàn cầu để xử lý các hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh.

NHNN đánh giá cao sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ đầy tích cực mà các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước đã dành cho Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng, đặc biệt trong việc truyền thông các chủ trương, chính sách của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, giúp củng cố lòng tin nhà đầu tư, duy trì động lực phát triển.

Tại buổi gặp mặt, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam cho rằng: “COVID-19 là cuộc khủng hoảng y tế và tài chính toàn cầu, song qua đó cũng cho thấy Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19, song hành với duy trì ổn định nền kinh tế”. Ông Francois Painchaud nhấn mạnh việc NHNN đã cân bằng được hỗ trợ nền kinh tế với những chính sách có mục tiêu, duy trì ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. NHNN cũng đảm bảo được cân bằng giữa việc hỗ trợ hồi phục nền kinh tế và sức chống chịu của ngành Ngân hàng.

Đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam tin tưởng, quan hệ giữa NHNN sẽ tiếp tục được tăng cường thời gian tới và IMF luôn sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cũng như NHNN với tất cả khả năng của mình.

Trong phát biểu của mình, ông Tim Evans, Giám đốc điều hành HSBC Việt Nam, Chủ tịch đương nhiệm Nhóm Công tác Ngân hàng BWG khẳng định: Các ngân hàng nước ngoài cam kết hợp tác và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, NHNN trong các chương trình toàn diện, cũng như các chương trình phát triển kinh tế bằng cách thúc đẩy thị trường tài chính ngân hàng, đẩy mạnh số hoá, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư tài chính quốc tế vào Việt Nam.

Theo Thống đốc, năm 2021 đang đến gần với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới. Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu kép vừa tích cực tập trung phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân vừa triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các mục tiêu này được triển khai song song với các chương trình phát triển quốc gia, đẩy mạnh cải cách các lĩnh vực trọng yếu cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

"NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát nhằm duy trì ổn định tiền tệ tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động Fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành Ngân hàng nói riêng", Thống đốc khẳng định.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tin tưởng các tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước, phái đoàn ngoại giao cùng các tổ chức tín dụng các nước tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và NHNN trong chặng đường mới để đạt được những thắng lợi mới.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh