Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, công khai và minh bạch
Ngày nhập : 29/12/2021 17:13
Phát biểu tại Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 28/12/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tin tưởng, trong năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, công khai và minh bạch.
 
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Ngày 28/12/2021, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021. Lễ công bố được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu chính tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đến dự và phát biểu tại Lễ công bố.

Tham dự Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2021 còn có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; đại diện Lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; đại diện lãnh đạo công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán và các chuyên gia kinh tế...

Theo nhà báo Nguyễn Lan Hương – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán, 10 sự kiện chứng khoán nổi bật hàng năm là kết quả của sự bình chọn của tất cả các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán và được công bố trước thời điểm kết thúc năm. Đây là năm thứ 14, các sự kiện chứng khoán nổi bật của năm được các thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán bình chọn và công bố.
 

Toàn cảnh Lễ Công bố

Phát biểu tại Lễ công bố, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong năm 2021, dù nền kinh tế đất nước đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song sự phát triển của TTCK vẫn là một điểm sáng ấn tượng của nền kinh tế. Điều này cho thấy, dù hiện nay nền kinh tế còn chịu nhiều ảnh hưởng, song về tương lai, nền kinh tế đất nước vẫn rất sáng sủa. Nhận định này cũng phần nào thể hiện qua chỉ số chứng khoán liên tiếp lập đỉnh trong năm qua, mang lại rất nhiều kỳ vọng cho cộng động đầu đầu tư và cũng giúp hiện thực hóa mục tiêu để TTCK thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Chia sẻ về vai trò của báo chí đối với sự phát triển của TTCK Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí góp phần làm minh bạch thị trường thông qua việc đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro của thị trường, đồng thời cung cấp các nguồn thông tin, kiến thức thông qua việc đánh giá, phân tích, các nguồn tin tin cậy dưới tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, để TTCK Việt Nam phát triển bền vững, cần sự chung tay, đồng hành của cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, nhà đầu tư, các cơ quan truyền thông với mục tiêu cao nhất là minh bạch, chuyên nghiệp. Sự phát triển của TTCK phải đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, thời gian qua, tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, song với sự nỗ lực của cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, các nhà đầu tư, TTCK vẫn có nhiều bước đột phá. Điều này củng cố niềm tin rằng trong năm 2022, TTCK sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch. Đồng thời, những vấn đề phát sinh, những rủi ro sẽ được cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan giám sát đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết, qua đó giúp TTCK tiếp tục vận hành đúng hướng.

"Trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ phát triển TTCK an toàn, minh bạch, ổn định và bền vững. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt, thống nhất của Bộ Tài chính", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Nhận định về triển vọng thị trường trong năm 2022, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, bên cạnh những thuận lợi, trong thời gian tới, TTCK cũng đối mặt với không ít thách thức…

Chủ tịch Trần Văn Dũng cũng cho biết, để TTCK phát triển bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính định hướng phát triển trong 10 năm tới. Theo đó, dự kiến sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển TTCK ổn định và bền vững hơn, gắn với đó là công tác tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Đồng thời, trong thời gian tới, cũng có thêm các sản phẩm mới như thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu riêng lẻ... qua đó giúp TTCK trở nên hấp dẫn, phát triển ổn định hơn.

Tại Lễ công bố, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đã tham gia thảo luận, chia sẻ ý kiến về các phiên thảo luận với các chủ đề: Năm 2021: Chứng khoán bình thường hay bất thường?; Năm 2022: Đỉnh nào cho thị trường chứng khoán?;  Năm 2022: Cơ hội trên thị trường chuyển biến về chất.

Theo các chuyên gia, năm 2021, bất chấp đại dịch COVID-19, TTCK Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô, điểm số, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư tham gia... Theo đó, trước tác động của đại dịch COVID-19 khiến GDP quý III tăng trưởng âm 6,17%, song TTCK lại có bước tăng trưởng vượt bậc, đánh dấu bằng sự kiện vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào tháng 4/2021. Đây là đỉnh lịch sử đã thiết lập trong suốt lịch sử 20 năm của TTCK Việt Nam với hai lần chạm tới vào năm 2007 và 2018. Sau khi VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử, thị trường tiếp tục thăng hoa và đạt đến đỉnh cao mới quanh 1.500 điểm...

Bên cạnh đó, quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12/11/2021 (tính GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm 2020-2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục xác lập những kỷ lục mới. Tính bình quân, giá trị giao dịch toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm ngày 17/12/2021 đạt 26.211 tỷ đồng/phiên - mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường. Đặc biệt, thanh khoản sàn HOSE đã tiến sát ngưỡng 45.560 tỷ đồng/phiên xác lập ngày 23/12/2021. Không chỉ trên HOSE, thanh khoản trên HNX và UPCoM cũng tăng bứt phá, lần lượt đạt 3.126 tỷ đồng/phiên và 1.592 tỷ đồng/phiên.

Thống kê sơ bộ cũng cho thấy, quy mô tăng vốn của doanh nghiệp niêm yết cao kỷ lục. Theo các báo cáo ước tính, năm 2021, có 147 doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102.600 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021. Nếu các doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết. Việc TTCK tăng mạnh từ đầu năm đến nay là cơ hội để nhiều doanh nghiệp huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang dần hồi phục.

Năm 2021 cũng chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020. Năm 2021 là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường.

                                                                                                      (Nguồn: Tạp chí tài chính)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh