Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường chứng khoán
Ngày nhập : 02/02/2023 15:15
Trọng tâm của Bộ Tài chính sẽ tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn để ổn định thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm và đảm bảo quản lý tài chính ngân sách, tài sản công một cách tốt nhất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bước sang năm Quý Mão 2023, một trong những trọng tâm sẽ là tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để ổn định thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm, đảm bảo quản lý tài chính ngân sách, tài sản công một cách tốt nhất. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn và kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế… giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý, về vấn đề dòng tiền và về các vấn đề liên quan khác để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, qua đó gia tăng năng lực của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…

Một năm vượt khó

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, năm 2022 chúng ta đã chiến thắng đại dịch, bắt đầu phục hồi kinh tế và thu được những thắng lợi hết sức toàn diện và to lớn. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% và CPI đạt 3,41%, nợ công khoảng 40%, tức là thấp so với mức cảnh báo và so với mức tối đa được Quốc hội giao là 60%. Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đã đạt 730 tỷ USD, xuất siêu trên 11 tỷ USD. Đây cũng là một năm có lượng xuất siêu lớn nhất.

Về chính sách tài khóa, đây cũng là năm thực hiện một cách rất thành công. Trong đó, thu ngân sách đạt 1.803.000 tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và vượt 14% so với năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên trong lịch sử có bội thu ngân sách vì dự toán chi ngân sách của năm 2022 chỉ 1.784.000 tỷ đồng và bội chi ngân sách thì dưới 4%.

Năm 2022 cũng là một năm mà thực hiện phục hồi kinh tế và đưa vào nền kinh tế gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công, cũng như chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.

Tuy nhiên, năm 2022 vẫn còn một số hạn chế, thứ nhất, việc hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nền kinh tế dù đã có những bước tiến bộ song vẫn còn có những khó khăn và chưa đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ.

Thứ hai là tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng đã ảnh hưởng đến kinh tế của nước ta. Chẳng hạn như giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng và các chi phí đẩy tăng lên cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt là vấn đề dòng tiền. “Room” tín dụng giảm cùng với lãi suất tăng đã đẩy chi phí lên, thị trường thì bị thắt chặt hơn do tiết kiệm chi tiêu của các quốc gia, từ đó cũng đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tiếp tục các giải pháp ổn định và phát triển TTCK

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thị trường chứng khoán có thể nói là một kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng cho nền kinh tế. Vì vậy, ổn định và phát triển thị trường chứng khoán là một giải pháp hết sức quan trọng để cùng với các tổ chức tín dụng đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán gồm có thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và phái sinh. Để đảm bảo cho ba thị trường này hoạt động một cách minh bạch, đúng đắn và hiệu quả sẽ đảm bảo thúc đẩy cho nền kinh tế phát triển…

Bộ Tài chính cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện pháp luật bằng giải pháp là ban hành Nghị định 65 để làm minh bạch hơn, phân định trách nhiệm một cách rõ ràng hơn, đảm bảo cho thị trường được vận hành một cách minh bạch và đảm bảo trách nhiệm của các nhà phát hành, nâng cao được nhận thức của những người tham gia trong thị trường này. Vì vậy, khi Nghị định 65 ban hành cũng có một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo thực hiện sàn giao dịch về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành một sàn giao dịch riêng, đồng thời thực hiện các giải pháp chống nghẽn mạch trên sàn HoSE để đảm bảo tốt nhất cho các quá trình giao dịch trên thị trường chứng khoán, đảm bảo minh bạch và đảm bảo đúng đắn chính xác. “Chúng tôi sẽ nỗ lực để ngành tài chính vẫn luôn luôn đứng đầu là ngành chuyển đổi số hàng đầu của các bộ ngành”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trao đổi trên Chương trình Phố Tài Chính trên VTV8.

Thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế nhiều hơn

Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, liên quan đến nhiều bộ ngành, đặc biệt là liên quan đến các chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân các tỉnh. Về phía Bộ Tài chính sẽ tăng cường đôn đốc, theo dõi và thúc đẩy chỉ đạo các đơn vị và các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, để đảm bảo cho vấn đề giải ngân đầu tư công một cách mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Chẳng hạn về công tác giải phóng mặt bằng, về công tác tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc như lập dự án đầu tư rồi phê duyệt các dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, tổ chức đấu thầu… Những công tác chuẩn bị đầu tư chủ yếu thuộc cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Tài chính sẽ thực hiện đôn đốc giải ngân đầu tư công và thực hiện hướng dẫn quyết toán các công trình xây dựng cơ bản sau thuộc về lĩnh vực đầu tư công. “Bộ tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các bộ ngành để chỉ đạo giải ngân đầu tư công một cách nhanh hơn, mạnh hơn và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đề cập đến những định hướng trọng tâm của ngành tài chính đặt ra trong năm 2023, cũng như trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, đảm bảo giữ được kinh tế vĩ mô và đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế và chống được lạm phát, tập trung phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Đây là những mục tiêu hết sức to lớn cần thực hiện.

Bộ Tài chính đã triển khai 108 nhiệm vụ, trong đó có 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì, còn 55 nhiệm vụ sẽ phải phối hợp với các bộ ngành để thực hiện. Trọng tâm của Bộ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khóa, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời sẽ tháo gỡ những vướng mắc, những khó khăn để ổn định thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường bảo hiểm và đảm bảo quản lý tài chính ngân sách, tài sản công một cách tốt nhất.

Năm 2023, Bộ vẫn đề xuất với Chính phủ thực hiện chính sách gia hạn và kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế như chính sách mà chúng ta đã thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ và đã được Chính phủ chấp thuận quyết định giảm 3% tiền thuê đất, giảm bớt những khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện vấn đề giảm thuế môi trường trong xăng dầu và một số khoản phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho những doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

“Chúng tôi cho rằng, năm 2023 tiếp tục phải tập trung đẩy mạnh vấn đề giải ngân đầu tư công và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, những vướng mắc về mặt pháp lý, vướng mắc về vấn đề dòng tiền và vướng mắc về các vấn đề liên quan khác để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Khi năng lực của doanh nghiệp tăng lên thì năng lực của nền kinh tế sẽ tăng lên và giải quyết được vấn đề lao động, tăng thu cho ngân sách và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

(Nguồn: Thời báo Ngân hàng)
 

NGÂN HÀNG TMCP SÀI GÒN CÔNG THƯƠNG

Giải Pháp Tài Chính Thông Minh